Giáo sư Tiến sĩ Michael Tirant

Cuốn sách đầu tiên của ngành Y đạt giải A Sách Quốc gia

PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương kiêm Trưởng bộ môn Da liễu, Đại học Y Hà Nội là chủ biên cuốn sách “Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu”, 1 trong 3 tác phẩm đạt giải cao nhất Giải sách Quốc gia năm 2020.

Cuốn sách của ông và nhóm tác giả được đánh giá cao bởi thể hiện tính sáng tạo, độc đáo, mới lạ trong trình bày bệnh học nói chung, bệnh học da liễu nói riêng, giúp cho người dạy, người học và các bạn đọc quan tâm đến bệnh học da liễu thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, tham khảo.

Cuốn sách “Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu” được PGS.TS Nguyễn Văn Thường nung nấu ý tưởng từ năm 2017. Thời điểm này, ông cùng các cộng sự vừa hoàn thiện xong việc tái bản, xuất bản các tập sách bệnh học da liễu.

Khi viết các tài liệu trước, ông nhận thấy bệnh nhân mắc các bệnh về da ở Việt Nam rất đa dạng về thể bệnh, nhiều thể hiếm gặp, lần đầu được chẩn đoán. Tuy nhiên chưa có cuốn sách nào ghi lại được hình ảnh lâm sàng của từng bệnh. Bên cạnh đó, lối trình bày đa phần là văn bản trong sách bệnh học trước nay vốn giúp các bác sĩ, sinh viên y khoa hiểu cặn kẽ vấn đề, nhưng để nhớ lâu, áp dụng triệt để vào thực tế lại là thách thức không nhỏ.

Từ đó, ông hình thành ý tưởng về một tập sách kết hợp hài hòa giữa hình ảnh chi tiết về triệu chứng lâm sàng, chẩn đoán điều trị với phần lời viết cô đọng, dễ hiểu.

PGS.TS Nguyễn Văn Thường

“Trong ngành da liễu, hình ảnh thể hiện ra bên ngoài đã giúp tới 60,70% khi chẩn đoán bệnh, còn lại là các kỹ thuật cận lâm sàng khác như xét nghiệm, soi, chụp, chiếu da… Cùng một bệnh nhưng ở từng trường hợp khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, hướng điều trị có thể sẽ khác. Tôi nghĩ nếu sách bệnh học làm được chi tiết về phần hình ảnh, bác sĩ sẽ dễ dàng hơn khi lựa chọn phác đồ chính xác nhất cho bệnh nhân”, PGS Thường cho hay.

Đem suy nghĩ này chia sẻ với một số chuyên gia đầu ngành về da liễu trên thế giới và tại Việt Nam, ông nhận được sự ủng hộ và đồng tình rất lớn. Trước đó, trên thế giới có rất ít sách về chuyên ngành da liễu làm được điều này.

Đầu năm 2018, PGS.TS Nguyễn Văn Thường bắt tay vào triển khai ý tưởng mà ông tâm huyết. Ông cùng với khoảng 50 chuyên gia hàng đầu tại Bệnh viện Da liễu Trung ương và Bộ môn Da liễu, Trường Đại học Y Hà Nội bắt đầu trao đổi, lên kế hoạch, phân công đầu việc.

Ông cũng liên lạc với các chuyên gia da liễu tại miền Trung, miền Nam và các Giáo sư nổi tiếng trên thế giới để cùng hợp tác trong bộ sách. Trong đó, có GS. Torello Lotti, Chủ tịch Hội da liễu Đại học Rome G.Marconi (Italia), Chủ tịch học viện Da liễu Y tế Thế giới; GS. Michael Tirant – giảng viên Da liễu tại Đại học Rome G Marconi, cố vấn nghiên cứu bệnh bạch biến tại Hội đồng kinh tế và xã hội, Liên Hợp Quốc,…

Các chuyên gia chia thành từng nhóm để xây dựng phần thô, sau đó tổng hợp, sàng lọc những hình ảnh lâm sàng cần thiết, đặc trưng nhất cho từng thể bệnh. Từ hình ảnh đã có, nhóm tiến hành soạn thảo hướng chẩn đoán, điều trị dựa trên kiến thức chung của nhân loại và những kinh nghiệm trong điều trị thực tế.

PGS.TS Nguyễn Văn Thường bên cuốn sách “Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu”

Cuốn sách được chia thành 2 tập, gồm 35 chương, 272 bài, trình bày trong hơn 1700 trang sách. Nội dung sách là kiến thức về khoảng 300 bệnh da liễu cơ bản hoặc hiếm gặp xảy ra ở Việt Nam cũng như thế giới.

Có gần 10.000 bức ảnh được đưa vào bộ sách, chắt lọc từ hàng chục nghìn bức ảnh bệnh nhân được chuyên gia trong và ngoài nước thu thập, gửi về. Các hình ảnh đặt ngay sau phần nội dung liên quan, giúp hình dung ngay lập tức bệnh cảnh lâm sàng, hiệu quả trước và sau điều trị.

PGS.TS Nguyễn Văn Thường chia sẻ, khó khăn lớn nhất với ông và nhóm tác giả khi thực hiện bộ sách là phải cân bằng giữa công tác chuyên môn, công việc hàng ngày và việc soạn thảo. Trong suốt 1 năm, nhóm hầu như dành hết thời gian rảnh rỗi cho soạn thảo sách, để trong ngày vẫn đáp ứng công việc khám chữa bệnh và giảng dạy.

Hai tuần cuốn trước khi bộ sách ra mắt là khoảng thời gian gấp rút nhất, các thành viên chủ chốt và tổ thư ký liên tục phải thức tới đêm muộn, thậm chí có hôm thức trắng để hoàn thành việc rà soát và chỉnh sửa.

Một khó khăn khác chính là việc làm sao để thống nhất cách trình bày, tư duy, thuật ngữ xuyên suốt cả cuốn sách khi có tới trên 60 tác giả, cả trong và ngoài nước cùng tham gia. Nhóm khắc phục bằng cách lập ra một ban thư kí để thống nhất ý tưởng, đồng thời tổ chức nhiều buổi họp để cùng thống nhất đưa ra phương án tối ưu nhất.

Tập sách “Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu” hoàn thiện và xuất bản vào đầu năm 2019, được giới thiệu lần đầu tiên ở Hội nghị Da liễu Miền Bắc năm 2019. Ngay thời điểm đó, cuốn sách nhận được sự quan tâm từ rất nhiều bác sĩ chuyên khoa da liễu trong và ngoài nước với số lượng lớn được bán ra trong tháng đầu tiên.

Các giáo sư đầu ngành da liễu quốc tế đã đề đạt về việc dịch tác phẩm sang tiếng Anh để truyền bá kiến thức, đồng thời giới thiệu thành quả của ngành da liễu Việt Nam. Đến nay, việc dịch sách sang tiếng Anh vẫn đang được tiến hành.

Đại diện nhóm tác giả cuốn sách “Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu” nhận giải A Giải thưởng Sách quốc gia 2020
PGS Thường chia sẻ, vô cùng xúc động và tự hào khi “đứa con” tâm huyết được ghi nhận

Đầu tháng 10 năm nay, tập sách vinh dự trở thành một trong ba tác phẩm đạt giải cao nhất của Giải thưởng Sách quốc gia 2020. Đây cũng là năm đầu tiên ngành da liễu nói riêng, ngành y nói chung có tác phẩm nhận được giải thưởng này.

Ngày biết tin “đứa con” tâm huyết được ghi nhận, PGS Thường chia sẻ, ông vô cùng xúc động và tự hào. Trước đó, khi Nhà xuất bản Y học đề xuất gửi sách dự thi, bản thân ông không hy vọng quá nhiều, bởi đây là giải thưởng lớn về sách, bao hàm tất cả các lĩnh vực.

“Sự ghi nhận trên là món quà vô giá, là lời động viên, khích lệ tinh thần để chúng tôi tiếp tục làm việc, nghiên cứu, hoàn thiện các ý tưởng trong tương lai”, ông nói.

Với PGS Thường, giảng dạy, nghiên cứu khoa học là phần không thể thiếu của cuộc sống. Nhưng mong ước xa hơn sau việc nghiên cứu, cũng là khao khát lớn của ông, là truyền đạt lại kiến thức, giúp các bác sĩ tương lai tiếp nối tinh thần tự lực tự cường, đưa ngành da liễu Việt Nam ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến trên thế giới.

“Và điều rất quan trọng, làm sao để từ kiến thức đó, bác sĩ có thể quay lại phục vụ nhân dân hiệu quả. Với tôi, đó là ý nghĩa lớn nhất của việc đào tạo”, ông chia sẻ.

GS.TS. Michael Tirant và PGS.TS. Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện da liễu Trung ương,  PGS.TS Huỳnh Văn Bá – Phó Chủ tịch Hội da liễu Việt nam đồng tác giả 3 cuốn sách Da liễu mới.

 

Chứng nhận Giải A Giải thưởng Sách Quốc gia 2020 – GS. TS. Michael Tirant là đồng tác giả.

Nguồn:https://dalieu.vn/cuon-sach-dau-tien-cua-nganh-y-dat-giai-a-sach-quoc-gia/?fbclid=IwAR03qK1U9Zcss7ceFkwSSQ6ZGTQw1PltrNz_ngWMiLKKfcIlD1tIcedSHlI

Các tin liên quan

Hỏi chuyên gia